Do có tiểu vùng sinh thái đặc trưng (độ cao trung bình trên 1.000 m so với mực nước biển) nên rất phù hợp cho việc phát triển nhiều loại cây ăn quả ôn đới nói chung và cây lê nói riêng. Những năm gần đây, cây Lê - Mù Cang Chải đã trở thành một trong những cây đặc sản, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân và đã trở thành cây ăn quả chủ lực của huyện, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đặc biệt là du khách mỗi khi đến du lịch vào mùa lê chín.
Đồng chí Nông Việt Yên, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải kiểm tra tình hình sản xuất Lê
Để có kết quả như ngày hôm nay, là những nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương, các nhà quản lý và cán bộ làm công tác khoa học và công nghệ. Năm 2010, Huyện đoàn Mù Cang Chải đã đề xuất đề tài khoa học cấp tỉnh“Nghiên cứu trồng thử nghiệm giống Lê Đài Loan năng suất, chất lượng, chịu được khí hậu lạnh tại huyện vùng cao Mù Cang Chải” do kỹ sư nông nghiệp Phạm Tiến Lâm làm chủ nhiệm và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái phê duyệt với thời gian thực hiện 2 năm (2010 -2011), quy mô 1,5 ha, triển khai tại xã Dế Xu Phình và xã Púng Luông của huyện Mù Cang Chải. Trong quá trình thực hiện đơn vị chủ trì đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái (nay là Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái) tư vấn, chuyển giao kỹ thuật bao gồm: Chọn địa điểm, chọn giống, hướng dẫn trồng, chăm sóc.... Kết quả mang lại sau 2 năm triển khai, cây Lê Đài Loan nhập nội (giống lê Tai Nung (VH6)) sinh trưởng tốt, giai đoạn kiến thiết cơ bản được đánh giá là rất thích nghi với điều kiện tự nhiên của huyện Mù Cang Chải. Tiếp đó, đơn vị chủ trì và đơn vị tư vấn tiếp tục theo dõi, đánh giá giai đoạn cây ra hoa, đậu quả và cho thấy giống Lê Đài Loan đã sinh trưởng phát triển tốt, năng suất và chất lượng đáp ứng được yêu cầu đề ra, mang nhiều triển vọng tốt. Từ đó nhiều hộ dân trong vùng đã chủ động nhân rộng mô hình bằng cách tự nhân giống hoặc mua giống để trồng. Giai đoạn 2017-2019, diện tích trồng Lê toàn huyện đạt 5-6ha. Giống Lê Đài Loan nhập nội VH6, BV1 là đối tượng được lựa chọn đưa vào trồng ở huyện Mù Cang Chải, đây là giống Lê sớm cho bói quả, tỷ lệ đậu quả cho năng suất cao, ổn định và chất lượng quả ngon, đặc biệt thịt quả ngọt, đậm vị, có mùi thơm đặc trưng, phù hợp với thị trường quả tươi và công nghiệp chế biến nước quả...
Nhận thấy sự phát triển tốt của giống Lê Đài Loan tại Huyện vùng cao Mù Cang Chải. Năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã phê duyệt đề tài khoa học: “Đánh giá tính thích ứng của một số giống lê nhập nội có năng suất, chất lượng tốt tại địa bàn huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái” do Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau, hoa, quả Gia Lâm thuộc Viện Nghiên cứu rau quả chủ trì thực hiện từ tháng 11/2020 đến tháng 11/2023. Kết quả đã đánh giá được khả năng sinh trưởng các giống lê nhập nội (giống lê Mật Tuyết, Hoành Sơn và BV1) trồng trên địa bàn 2 huyện với quy mô 6,0 ha; đánh giá được các biện pháp kỹ thuật tiên tiến đối với giống Lê VH6. Một điểm nổi bật của để tài “Đánh giá tính thích ứng của một số giống lê nhập nội có năng suất, chất lượng tốt tại địa bàn huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái” là khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật như bón phân và sử dụng phân bón và chất điều hòa sinh trưởng; kỹ thuật tạo hình, cắt tỉa; quản lý độ ẩm đất; kỹ thuật bao quả, tỉa quả và phòng trừ sâu bệnh... đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Với giá hiện nay đạt trung bình 30.000 đồng/kg quả loại I; 25.000 đồng/kg quả loại II và 15.000 đồng/kg quả loại III. Lãi thuần thu được trên 1,0 ha mô hình thâm canh lê VH6 (cây 6 năm tuổi) đạt 389.180.000 đồng/ha.
Xuất phát từ kết quả của 2 đề tài nghiên cứu, những năm gần đây huyện đã tập trung đầu tư nguồn lực để phát triển cây Lê theo hướng hàng hóa, tập trung thông qua các chương trình như: Chương trình Nghị quyết số 69/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của Hội đồng nhân nhân tỉnh Yên Bái ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững... Giai đoạn 2022-2025. Huyện Mù Cang Chải đã triển khai 4 dự án thuộc ba chương trình theo hướng hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm Lê Mù Cang Chải, đến nay diện tích trồng mới giống Lê là 296,33ha. Năm 2024 tổng diện tích trồng Lê toàn huyện là 303,35ha (trong đó diện tích trồng mới là 189,09ha), năng suất đạt trung bình 30,5 tạ/ha.
Để nâng cao hơn nữa giá trị cho sản phẩm Lê Mù Cang Chải, tạo động lực và thúc đẩy phát triển cây Lê theo hướng hàng hóa. Năm 2025, Ủy ban nhân tỉnh Yên Bái đã phê duyệt nhiệm vụ: “Xác lập quyền Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Lê Mù Cang Chải - Yên Bái” của tỉnh Yên Bái” với mục tiêu: Xác lập quyền Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Lê Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên thị trường và quản lý, phát triển, quảng bá, giới thiệu sản phẩm ... hi vọng, với sự đồng hành của khoa học và công nghệ và sự vào cuộc của chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới, Nhãn hiệu chứng nhận cho “Lê Mù Cang Chải - Yên Bái” của tỉnh Yên Bái được bảo hộ thành công sẽ góp phần phát huy lợi thế cạnh tranh sản phẩm chủ lực của địa phương so với sản phẩm khác trên thị trường. Khi sản phẩm có thương hiệu nhận diện, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì người tiêu dùng sẽ tiếp cận nhiều hơn. Qua đó, mở rộng sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa sẽ phát triển thuận lợi và có khả năng cạnh tranh cao hơn./.
Lê Xuân Thành
Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái