Thứ ba, 02/07/2024
Hệ thống đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm, các tin bài và số liệu chỉ có tính tham khảo!
Ngày đăng: Thứ sáu, 23/06/2023
Xem với cỡ chữ

Chuyển đổi số với bảo tàng ảo công nghệ 3D

      Trong hệ thống bảo tàng cấp tỉnh, Yên Bái là tỉnh thứ 2 sau Quảng Ninh thực hiện bảo tàng ảo với hệ thống trưng bày điện tử trực quan, hiện đại, ứng dụng các công nghệ mới trên thế giới. Đây là kết quả từ nhiệm vụ khoa học “Chuyển đổi số các hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái hình thành Bảo tàng thực tế ảo (VR)”.

Cán bộ Bảo tàng tỉnh và đơn vị chủ trì nghiên cứu hiện vật để thực hiện khoa học “Chuyển đổi số các hiện vật Bảo tàng tỉnh Yên Bái hình thành Bảo tàng thực tế ảo (VR)”

      Cuối năm 2020, Bảo tàng tỉnh Yên Bái khai trương với diện mạo mới, trưng bày nhiều hiện vật độc đáo, thu hút sự chú ý của đông đảo nhân dân trong tỉnh. Hiện tại, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ trên 20 ngàn di vật có giá trị, trong đó có nhiều sưu tập và hiện vật cổ vô cùng quý giá, phản ảnh mọi thời kỳ của lịch sử. Tuy nhiên, việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị các hiện vật tại Bảo tàng tỉnh mới chỉ sử dụng tới các công nghệ, phương tiện lạc hậu, bảo quản các hiện vật dưới dạng lưu giữ theo phương pháp truyền thống chưa sử dụng công nghệ hiện đại. Quảng bá, phát huy và tuyên truyền giá trị lịch sử chỉ sử dụng tại chỗ và có sự hỗ trợ trang thông tin điện tử là web baotangyenbai.vn nhưng nội dung chỉ chứa đựng các thông tin sơ sài, dưới dạng văn bản kèm theo một số hình ảnh thiếu trung thực. Điều này không tạo cho du khách có được những thông tin đa chiều, đầy đủ về các hiện vật, không thu hút được du khách trải nghiệm qua không gian ảo mà đòi hỏi du khách phải đến tận nơi mới tận hưởng và ngắm nhìn các hiện vật. Để giải quyết vấn đề này, nhiệm vụ khoa học “Chuyển đổi số các hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái hình thành Bảo tàng thực tế ảo (VR)” do Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) chủ trì được triển khai thực hiện từ tháng 7/2021 đến hết năm 2022.

      Đơn vị chủ trì đã thực hiện công tác điều tra, thu thập 156 file dữ liệu liên quan tới hiện vật, tư liệu, mẫu thiết kế, bản thảo thiết kế không gian trưng bày; 4.953 ảnh các loại về các nhóm hiện vật, tư liệu, không gian trưng bày, tòa nhà, cánh cửa, máy bay…; mô hình 3D và cơ sở dữ liệu lưu trữ với 1.005 hiện vật kèm theo thông tin và hình ảnh mô hình 3D hiện vật; hệ thống các mô-đun phần mềm tham quan Bảo tàng ảo với 36 chức năng chính... Từ đó, thành công xây dựng được bộ dữ liệu hình ảnh 3D về các hiện vật, tư liệu điển hình theo các giai đoạn và hệ thống phần mềm tham quan ảo các hiện vật, tư liệu tại Bảo tàng tỉnh bằng công nghệ VR tăng cường chạy trên nền Web. VR là một hệ mô phỏng có tương tác hai chiều và xử lý thời gian thực, đặc biệt với kỹ thuật 3D cho phép người quan sát được chìm đắm trong không gian ảo. Tính năng động và tương tác vật lý trong không gian thực của sự vật, hiện vật, thực thể, âm thanh, hình ảnh, đồ vật… đều có thể mô phỏng được nhờ công nghệ này. Nhờ đó, bảo tàng ảo trên web baotangyenbai.vn cho phép khách tham quan truy cập và khám phá dễ dàng, lựa chọn các đối tượng, chủ đề quan tâm, ưa thích; tự do khám phá bảo tàng như người nắm giữ bảo tàng thực sự. Người dùng còn có thể tương tác với mô hình hiện vật ở nhiều góc độ khác nhau; thông tin về các hiện vật cũng được hiển thị… Hơn thế nữa, hệ thống còn cung cấp công cụ lưu trữ, quản lý thông tin một cách có hệ thống, hiệu quả bằng việc tư liệu hóa, số hóa những tài liệu, hiện vật hiện có.

      Có thể thấy, bảo tàng ảo là công cụ quảng bá hữu hiệu đến khách tham quan một cách nhanh chóng, thuận lợi, không bị hạn chế bởi không gian, thời gian, khoảng cách địa lý. Trưng bày trong Bảo tàng ảo 3D phong phú, hiện vật gắn với thông tin tư liệu đa phương tiện như văn bản, hình ảnh, băng âm thanh, phim tư liệu, chủ động và linh hoạt hơn trong công tác trưng bày nhất là trưng bày lưu động và trưng bày chuyên đề. Ông Hoàng Tiến Long – Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Trong thời gian qua, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các trường THCS, THPT trên địa bàn xây dựng kế hoạch giảng dạy bộ môn hoạt động trải nghiệm và lịch sử trong chương trình lớp học không biên giới trên nền tảng công nghệ bảo tàng ảo, thu hút trên 11.000 lượt học sinh các cấp tham gia. Với cách thức này, giờ học đã trở nên lôi cuốn, hấp dẫn, mới lạ với không chỉ học sinh mà cả giáo viên. Đó chính là những lợi ích thiết thực của đề tài”.

 Hoài Anh - https://baoyenbai.com.vn/

TAGS : Khoa học
video photo

Liên kết website