Cùng với việc nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các cách làm mới vào sản xuất, các nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) còn tập trung vào việc xác lập sở hữu trí tuệ để phát huy thế mạnh của các sản phẩm chủ lực, mở rộng thị trường...
Người dân xã Đại Minh trao đổi về kết quả thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo nhiệm vụ “Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi Đại Minh”.
Bưởi Đại Minh vốn là đặc sản và niềm tự hào của người dân huyện Yên Bình. Song vài năm trở lại đây, năng suất và chất lượng có xu hướng giảm và đặc biệt là tỷ lệ khô tép quả bưởi đang tăng cao, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân. Trước thực trạng đó, từ năm 2021, Sở KH&CN đã triển khai nhiệm vụ KHCN "Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi Đại Minh” do Viện Nghiên cứu rau quả chủ trì. Đơn vị chủ trì đã nhanh chóng thực hiện điều tra, khảo sát, nghiên cứu về đất, phân tích mẫu quả, hàm lượng dinh dưỡng đất, thực trạng sản xuất, xác định nguyên nhân hiện tượng khô tép bưởi và thực trạng thu hoạch, bảo quản sản phẩm bưởi Đại Minh.
Từ đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng 5 thí nghiệm nhằm nghiên cứu việc quản lý tán; một số công thức bón phân, việc bổ sung phân trung vi lượng; quản lý độ ẩm; xác định thời điểm phun, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật thích hợp để phòng trừ bệnh; thời điểm thu hái, biện pháp bảo quản... có thể ảnh hướng đến năng suất, chất lượng và tỷ lệ khô tép quả bưởi. Mặc dù mới triển khai năm thứ 3, chưa có kết quả nghiên cứu đầy đủ song bước đầu đã được người dân đón nhận tích cực.
Ông Nguyễn Mạnh Huân ở thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh cho biết: "Khi tham gia mô hình, tôi được hướng dẫn một số kỹ thuật canh tác mới như: bón đỗ tương vào đất rạch theo tán bưởi, phủ nilon vào đất… Năm nay, năng suất đã nhỉnh hơn năm trước chút ít, tỷ lệ bị khô tép quả có chiều hướng giảm. Tin rằng, với sự vào cuộc của nghiên cứu khoa học, bệnh khô tép quả sẽ sớm được khắc phục, giúp chúng tôi sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập”.
Với nhiệm vụ "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tổng hợp thâm canh cây dâu và nuôi tằm trên địa bàn huyện Trấn Yên” thì cung cấp cho người dân một quy trình kỹ thuật kết hợp với sử dụng chế phẩm vi sinh vật IMO để chế biến phân hữu cơ và bón phân NPK chuyên dụng cho cây dâu cùng kỹ thuật nuôi tằm trên giàn khay trượt giúp tằm sinh trưởng khỏe, phát dục đều, ít bị bệnh, tằm chín đều, chín tập trung, khả năng kết kén tốt, kén đồng đều.
Qua hạch toán kinh tế, việc áp dụng này đã cho hiệu quả cao: chi phí nuôi tằm/năm là 203 triệu đồng, giảm so với đối chứng là 12,8 triệu đồng/ha/năm; tổng thu nhập là 356 triệu đồng/ha/năm, tăng 48,7 triệu đồng/ha/năm; lợi nhuận đạt 153 triệu đồng/ha/năm, tăng 61,5 triệu đồng/ha/năm so với đối chứng.
Đây chỉ là 2 trong số các nhiệm vụ KHCN đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh trong năm 2023. Ông Đinh Khắc Tiến - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN cho biết: "Trong năm 2023, Phòng đã tham mưu cho Sở phối hợp tổ chức kiểm tra tiến độ kết quả thực hiện 34 nhiệm vụ KHCN chuyển tiếp từ các năm trước; tổ chức 16 hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ kết thúc năm 2023; tổ chức hội nghị bàn giao kết quả, sản phẩm của 15 nhiệm vụ kết thúc năm 2022 cho các đơn vị có cam kết tiếp nhận kết quả, sản phẩm để duy trì, ứng dụng, nhân rộng. Đồng thời, trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí đối với 9 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh đợt 1, năm 2023 với kinh phí 2,25 tỷ đồng. Đến nay đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để ký hợp đồng triển khai các nhiệm vụ này”.
Năm 2023, cùng với việc nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các cách làm mới vào sản xuất, các nhiệm vụ KHCN còn tập trung vào việc xác lập sở hữu trí tuệ để phát huy thế mạnh của các sản phẩm chủ lực, mở rộng thị trường; nghiên cứu tính thích ứng của các giống cây trồng mới; đặc biệt là tích cực nghiên cứu, ứng dụng các phần mềm phục vụ mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh như: bảo tàng ảo, hệ thống phần mềm giám sát thời tiết, cảnh báo thiên tai…
Có thể khẳng định, kết quả nghiên cứu KHCN đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quản lý, phát triển ngành, địa phương; thay đổi tập quán, quy trình canh tác của nông dân theo hướng ứng dụng KHCN, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính bền vững.
Hoài Anh - https://baoyenbai.com.vn/