Chủ nhật, 08/09/2024
Hệ thống đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm, các tin bài và số liệu chỉ có tính tham khảo!
Ngày đăng: Thứ sáu, 05/07/2024
Xem với cỡ chữ

Đồng hành cùng nhân dân xây dựng thương hiệu

      Trong cơ chế thị trường hiện nay, xây dựng thương hiệu là việc làm không thể thiếu để sản phẩm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh giữa vô vàn các sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên, “phải bắt đầu từ đâu,  làm như thế nào” là những băn khoăn của phần lớn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đang gặp phải. Những câu hỏi này sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ với sự đồng hành của ngành Khoa học và Công nghệ (KHvàCN) tỉnh.

 

Hội nghị Công bố Quyết định cấp giấy chứng nhận và thí điểm trao quyền sử dụng Nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm “Rượu thóc La Pán Tẩn”, “Hoa hồng Mù Cang Chải” và “Chè Shan tuyết Púng Luông” của huyện Mù Cang Chải.

       Thương hiệu được hiểu là tên gọi, thuật ngữ, thiết kế, hình tượng hoặc các dấu hiệu khác giúp phân biệt một tổ chức hoặc một sản phẩm với đối thủ trong mắt của người tiêu dùng. Bởi vậy, bước đầu tiên trong quá trình xây dựng thương hiệu, tạo dựng niềm tin với khách hàng là xác lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) phù hợp với từng sản phẩm. Những năm qua, công tác này đã được Sở KH và CN tỉnh đã tích cực triển khai thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN. Riêng năm 2023, Sở KH và CN đã triển khai thực hiện 15 dự án khoa học về SHTT (10 dự án chuyển tiếp từ năm 2022 và 5 dự án thực hiện mới năm 2023), với kinh phí thực hiện là 2,455 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp KHCN, trong đó có 10/15 dự án về xác lập quyền SHTT, còn lại là về quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Năm 2024, tỉnh dự kiến tiếp tục bố trí kinh phí 5 tỷ đồng cho việc xác lập, quản lý và phát triển quyền SHTT. Nhờ đó, đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã có 47 sản phẩm đặc sản, chủ lực đã được cấp văn bằng bảo hộ SHTT, góp phần xây dựng thương hiệu trên thị trường, tiêu biểu như: Chỉ dẫn địa lý Gạo Mường Lò, ba ba gai Văn Chấn, quế Văn Yên, Nhãn hiệu tập thể cam Văn Chấn, thịt hun khói Mường Lò… Anh Trần Văn Vỹ - Giám đốc Hợp tác xã Hoa hồng Nậm Khắt (xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải) - đơn vị được trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Hoa hồng Mù Cang Chải cho biết: “Sản phẩm hoa hồng trồng ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cho bông rất to, đẹp nên chúng tôi rất mong muốn có thể xác lập quyền SHTT cho sản phẩm này để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, chi phí không nhỏ cùng với việc chúng tôi thực sự không biết bắt đầu từ đâu, cần làm những gì. Vì thế, HTX rất mừng khi được Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, giúp đỡ chúng tôi xây dựng bài bản trong việc xác lập quyền nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Hoa hồng Mù Cang Chải”. Từ nay, chúng tôi sẽ tích cực sử dụng nhãn hiệu này để quảng bá thương hiệu sản phẩm “Hoa hồng Mù Cang Chải” giữa rất nhiều thương hiệu hoa đã có tiếng trên cả nước”. Ở xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, sau khi sản phẩm Chè shan tuyết Phình Hồ được xác lập bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2021 cũng đã đánh dấu một bước ngoặt lớn cho sản phẩm chè của địa phương. Đó là việc được các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến quan tâm nhiều hơn; giá thu mua cho bà con cao hơn; được quan tâm bảo vệ và cải tạo hơn… Ông Sùng A Rua – Chủ tịch UBND xã Phình Hồ chia sẻ: “Kể từ khi được xác lập chỉ dẫn địa lý, khẳng định được những đặc tính đặc trưng do điều kiện địa lý mang lại, tạo được điểm đặc biệt so với các sản phẩm khác, sản phẩm chè Phình Hồ đã bước đầu thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đi sâu khai thác, xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Giờ đây, sản phẩm chè của chúng tôi đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử; thương hiệu Trà Shan tuyết Phình Hồ có 15 triệu lượt xem trên nền tảng mạng xã hội… Chè tươi của bà con được thu mua với giá từ 25-30 nghìn đồng/kg…”.

      Cùng với việc tư vấn, hỗ trợ, đồng hành cùng các đơn vị doanh nghiệp tạo dựng tài sản trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sáng tạo, hàng năm Sở KH và CN tỉnh Yên Bái còn tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật và kiến thức cơ bản về SHTT cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh; thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả hệ thống quản lý Nhà nước về SHTT; thanh tra, kiểm tra, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng và phát triển các tài sản trí tuệ, các hoạt động SHTT và xử lý các hành vi xâm phạm pháp luật về SHTT theo quy định hiện hành. Tất cả đã góp phần giúp các doanh nghiệp, tổ chức nhận thức rõ tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu gắn với bảo hộ quyền SHTT. Hai nội dung này cần tiếp tục được quan tâm và phát triển song hành, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng như hiện nay./.

Hoài Anh- Báo Yên Bái

TAGS : Khoa học
video photo

Liên kết website