Thứ năm, 21/11/2024
.
Ngày đăng: Thứ bảy, 29/07/2023
Xem với cỡ chữ

Kinh tế tuần hoàn - Xu thế khởi nghiệp và kinh doanh bền vững

Ngày 26/7/2023, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững phối hợp với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC) tổ chức Hội thảo: “Kinh tế tuần hoàn - Xu thế khởi nghiệp và kinh doanh bền vững”.
Hội thảo là một trong những hoạt động nổi bật của Làng Sáng tạo mở xã hội trong khuôn khổ Techfest 2023. Đây là dịp để thảo luận và thúc đẩy trao đổi hợp tác giữa các bên liên quan nhằm thử nghiệm, định hướng và đề xuất giải pháp xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, tạo ra một hệ thống kinh tế bền vững, cân bằng giữa phát triển kinh tế và đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững.

 


Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ chia sẻ chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn và khẳng định, trong định hướng chiến lược phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia, kinh tế tuần hoàn là một nội dung trọng tâm, trong đó Techfest năm 2023 đặc biệt quan tâm tới các công nghệ thực phẩm, nông nghiệp thông minh, công nghệ bảo vệ môi trường, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo… để vừa tạo đòn bẩy kinh tế vừa đóng góp cho sự phát triển bền vững.

Theo ông Sun Sukkun - Giám đốc Chương trình Shinhan Square Bridge, Quỹ Hy vọng Tập đoàn Tài chính Shinhan, nhà tài trợ chính của Làng Sáng tạo mở xã hội: “Kinh tế tuần hoàn đơn giản là việc kéo dài cuộc sống, đồng thời có thể đem lại cuộc sống thứ 2 cho các nguyên vật liệu vốn sẽ bị coi là rác thải. Quá trình này yêu cầu việc áp dụng các biện pháp thiết kế, sử dụng hợp lý, tái chế, tái sử dụng... nhằm sử dụng nguyên liệu một cách thông minh. Đây là xu hướng mà các doanh nghiệp khởi nghiệp nên nắm bắt”.
 


Toàn cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, đại diện của RE:Harvest - một trong những doanh nghiệp tham gia dự án Shinhan Square Bridge Việt Nam đã chia sẻ mô hình khởi nghiệp “Tái chế thực phẩm”. RE:Harvest là doanh nghiệp thu hoạch thực phẩm đầu tiên của Hàn Quốc thu thập các sản phẩm phụ còn sót lại trong việc sản xuất bia và tái chế nâng cấp thành bột để sản xuất các thực phẩm giàu dinh dưỡng.

Ông Phạm Dũng Nam - Giám đốc NSSC cho biết, nếu ĐMST tập trung vào phát triển kinh tế thì kinh tế tuần hoàn còn khó hơn khi vừa cân bằng kinh doanh vừa bảo vệ, cải tạo môi trường. Chính vì vậy, đó không chỉ là quá trình kinh doanh, huy động đầu tư mà còn là quá trình chiến lược và đòi hỏi sự tham gia của các các bên liên quan. Theo ông Phạm Dũng Nam, Techfest Việt Nam cũng bắt đầu bằng những bước đi như vậy, để kết nối các đối tác liên quan, doanh nghiệp, nhà đầu tư, viện trường, các tổ chức phi lợi nhuận trong nước quốc tế… nhằm tạo nên sự thay đổi".
 


Các diễn giả tham dự tọa đàm “Xu hướng và thách thức thúc đẩy khởi nghiệp và kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”.

Trong khuôn khổ Hội thảo, đã diễn ra phiên tọa đàm: “Xu hướng và thách thức thúc đẩy khởi nghiệp và kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”, tại đây các diễn giả đã trao đổi, thảo luận về môi trường phát triển của nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, những thuận lợi, thách thức đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, rất nhiều bài học quý giá về quản trị và định hướng doanh nghiệp bền vững, tuần hoàn cũng đã được chia sẻ.

Đề án Phát triển Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/06/2022, khẳng định việc chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Đề án cũng đề cao tầm quan trọng của việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong việc thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

 

Nguồn: most.gov.vn

TAGS :
video photo

Liên kết website