Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương đã phối hợp với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất giống tổ chức khảo nghiệm, ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sản xuất; áp dụng công nghệ cao, chăn nuôi khép kín, liên kết theo chuỗi giá trị.
|
Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh Yên Bái kiểm tra chất lượng bò giống được thực hiện bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo tại xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn
|
Hàng năm, ngành và các địa phương thực hiện phối giống từ 4.000 - 4.500 liều tinh bò lai Sind, trâu Mura ..., đưa tỷ lệ trâu, bò lai lên 50%; tổ chức 1.479 lớp tập huấn cho 57 nghìn lượt người về các tiến bộ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Liên kết với doanh nghiệp cung ứng 7.399 tấn phân bón trả chậm cho nông dân. Toàn tỉnh đã có 1.196 trang trại và cơ sở phát triển chăn nuôi đặc sản.
Nhiều địa phương đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, góp phần thay đổi tư duy canh tác thủ công, bảo đảm thời vụ, tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nông sản và thu nhập của người dân. Đến nay toàn tỉnh đã có 21.250 máy làm đất, 136 máy gặt đập liên hợp, 350 máy thu hoạch.
Hoạt động khoa học và công nghệ, nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống, sản xuất thời gian qua cũng đã góp phần tạo chuyển biến về trình độ sản xuất, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa cho thu nhập cao. Đến nay, toàn tỉnh có 44 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó có 10 chỉ dẫn địa lý, 21 nhãn hiệu chứng nhận và 13 nhãn hiệu tập thể. Tỉnh đang tiếp tục thực hiện các bước để đủ điều kiện cấp 7 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và tuyển chọn đơn vị chủ trì triển khai nhiệm vụ cho 6 sản phẩm của năm 2023.
Mạnh Cường - https://baoyenbai.com.vn